Chào mọi người, nay HR sẽ chia sẻ một vấn đề mà chắc hẳn ai cũng đã từng nghĩ đến - Bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXH bắt buộc)
Đối với nhân viên chính thức chắn hẳn đã hiểu rõ phần nào, nhưng các bạn thuộc đối tượng thử việc, thực tập sinh hẳn còn nhiều bỡ ngỡ và không hiểu rõ ràng. Vậy hãy cùng team HR tìm hiểu chi tiết hơn nhé !!
(Bài viết dưới đây được tham khảo hoàn toàn từ LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI 2014)
1. BHXH bắt buộc là gì ?
BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.
BHXH bắt buộc là BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
=> Như vậy, dù muốn hay không muốn thì khi NLĐ ký hợp đồng và là nhân viên chính thức của Công ty thì bắt buộc phải tham gia đóng BHXH theo quy định của Nhà nước Việt Nam. Việc NLĐ và Doanh nghiệp ký thỏa thuận không đóng BHXH bắt buộc cũng là thỏa thuận trái pháp luật. Ngoài ra, việc doanh nghiệp không đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Các chế độ BHXH bắt buộc là những chế độ nào?
Tại Việt Nam hiện nay, các chế độ BHXH bắt buộc bao gồm:
- Ốm đau (ÔĐ)
- Thai sản (TS)
- Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ - BNN)
- Hưu trí (HT)
- Tử tuất (TT)
3. Lợi ích của việc đóng BHXH bắt buộc
- BHXH sẽ giúp bảo đảm thay thế, bù đắp sự thiếu hụt về mặt tài chính cho người lao động và gia đình người lao động khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau,… Ngoài ra BHXH sẽ phân phối lại thu nhập cho người lao động, thể hiện ở việc người lao động san sẻ thu nhập theo thời gian. Tức là, người lao động sẽ đóng BHXH để dành hưởng trợ cấp khi gặp rủi ro.
- Việc thực hiện đóng BHXH sẽ giúp cho người lao động khi ốm đau sẽ được khi khám chữa bệnh và được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí và được trợ cấp ốm đau, được nghỉ chăm con khi con ốm; khi thai sản thì được khám thai, được nghỉ sinh đẻ và nuôi con, nhận các trợ cấp khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp….
4. Mức đóng BHXH bắt buộc của NLĐ và Doanh nghiệp
Các mức đóng BHXH bắt buộc liên tục thay đổi theo chính sách của Nhà nước. Ví dụ đợt dịch Covid 19, Nhà nước có hỗ trợ giảm mức đóng cho NLĐ và Doanh nghiệp, và từ tháng 10/2022 mức đóng BHXH bắt buộc được cập nhật như sau:
Mức đóng của NLĐ: 10,5% của mức lương cơ bản theo vùng (bao gồm 8% HT, 1% BHTN và 1,5% BHYT)
Mức đóng của Doanh nghiệp: 21,5% của mức lương cơ bản theo vùng (bao gồm 14% HT, 3% ÔĐ - TS, 0,5% TNLĐ - BNN, 1% BHTN và 3% BHYT)
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP được áp dụng từ 01/7/2022, mức lương cơ bản theo vùng của Hà Nội là: 4.680.000 vnd
NLĐ đã qua đào tạo được cộng thêm 7% của mức lương cơ bản theo vùng -> Do đó, mức lương cơ bản theo vùng để tham gia BHXH của NLĐ đã qua đào tạo là 5.007.600 vnd, và Công ty mình cũng đang áp dụng theo mức này (mức tối thiểu mà NLĐ và Doanh nghiệp bắt buộc phải đóng BHXH)
=> Như vậy :
NLĐ tại Công ty phải đóng số tiền tham gia BHXH bắt buộc là: 10,5% x 5.007.600 = 525.798 vnd
Công ty đóng BHXH bắt buộc cho từng NLĐ là: 21,5% x 5.007.600 = 1.076.634 vnd
Phần 1 của BHXH bắt buộc tạm thời sẽ kết thúc tại đây. Phần sau team HR sẽ nói rõ hơn về các mức được hưởng trợ cấp khi ốm đau, thai sản,.. Mọi người cùng chờ đón nhé!!