Xin chào tất cả mọi người, sau một thời gian không dài cũng không ngắn đảm nhiệm công việc tuyển dụng tại công ty thì em/mình nhận ra rằng có khá nhiều bạn chưa biết cách viết và trình bày CV sao cho hợp lý và thu hút nhà tuyển dụng. Dưới đây là một số Tip và lưu ý khi viết CV mà mình đã tham khảo và nhận thấy được, hy vọng có thể giúp cho anh/chị/bạn trong tương lai.
1. Format
Có khá nhiều format CV trên mạng bạn có thể lựa chọn, format màu có thanh sidebar, format có hình, nhưng theo mình CV có format chuyên nghiệp nhất là CV 1 trang không hình. Đây là format kiểu Mỹ, gọn nhẹ, và thuộc phong cách chống phân biệt ứng viên (giới tính, sắc tộc, độ tuổi), CV này phù hợp với đa số công việc văn phòng hiện nay. Tuy nhiên tuỳ thuộc vào nguồn gốc công ty hay đặc tính công việc bạn có thể lựa chọn khác. Chẳng hạn như đối với một số doanh nghiệp nước ngoài lớn thì họ chuộng CV phong cách Mỹ nhưng một số doanh nghiệp tại Việt Nam thì lại thích CV kiểu truyền thống hơn.
Đặc biệt, để gây sự chú ý với nhà tuyển dụng, bạn có thể sử dụng màu chủ đạo của CV dựa trên logo của công ty mình muốn ứng tuyển.
Mọi người có thể tham khảo mẫu CV chuẩn Âu Mỹ sẽ có format như sau:
2. Hình
Đương nhiên nên là hình formal, chuyên nghiệp và cười tươi rạng rỡ (Đừng lấy hình thẻ cho vào nhé).
3. Thông tin cơ bản
Tên, điện thoại, email, thành phố bạn ở. Ngày tháng năm sinh có thể có hoặc không.
Phần website, nếu như bạn có tạo cho mình 1 website cá nhân như của anh Long thì đó sẽ là một điểm cộng rất lớn cho CV xin việc đó. Hoặc nếu chưa có website cá nhân thì mình khuyên bạn nên tạo một tài khoản Linkedin - Đây là một trang mạng xã hội việc làm rất lớn hiện nay, kết nối ứng viên và nhà tuyển dụng. Bạn có thể update kiến thức và kinh nghiệm, những chứng chỉ của bản thân lên đây chứ đừng để trống nhé ^^
4. Mục tiêu/Định hướng
Phần này này thể hiện mục tiêu, định hướng nghề nghiệp của bạn, là một lưới lọc quan trọng cho nhà tuyển dụng nhận định chuyên môn và mục tiêu của bạn có phù hợp với công viêc và công ty hay không. Ví dụ như:
– Marketer muốn trở thành Brand Manager trong vòng 5 năm.
– Kỹ sư phần mềm chuyên lập trình game iOS
– Data Analyst muốn trở thành một full-package Data Scientist trong 5 năm.
– Chuyên viên bán hàng B2B mong muốn trở thành quản lí trong 3 năm
– Chuyên dịch thuật tiếng Trung với kĩ năng chuyên về xuất nhập khẩu.
5. Học vấn/Education
Tên trường – Bằng cấp – Chuyên môn – Thời gian tốt nghiệp – Loại tốt nghiệp (chỉ nêu nếu tốt nghiệp loại giỏi trở lên, nếu không thôi khỏi 😃)
Học vấn cao nhất từ Đại học trở lên. Các khóa học khác, nhưng lưu ý chỉ là những khóa học chuyên môn cao, khoảng từ 6 tháng trở lên. Các khóa kỹ năng nhỏ như Ngoại ngữ, Photoshop, Google Analytics tool, v.v… tốt nhất nên được thể hiện trong phần Kỹ năng.
6. Kinh nghiệm làm việc/Experiences
Phần này chắc chắn sẽ là quan trọng nhất rồi. Vậy nên mình sẽ chia thành các phần nhỏ hơn nhé
A. MỐC THỜI GIAN
Cố gắng ghi rõ mốc thời gian đến mức độ tháng cho từng công việc. Và cần sắp xếp thứ tự công việc theo từ trên xuống là những công việc gần nhất và sau đó là xa dần
B. TÊN CÔNG TY
Công ty lớn thì không cần, nếu đó là một công ty nhỏ thì sẽ phải cần mô tả ngắn. Vd ABC – Startup về game di động. XYZ – công ty xuất nhập khẩu hàng may mặc chuyên thị trường Trung Đông. Định nghĩa quy mô công ty lớn và nhỏ là tương đối, nhưng bạn cứ nghĩ là nếu bạn là nhà tuyển dụng thì sẽ biết công ty đó là công ty nào hay không.
Lưu ý. Kinh nghiệm làm việc tính là công việc được trả lương hoặc thực tập không lương ngắn hạn. Đối với sinh viên mới ra trường, có thể cân nhắc lấy việc làm việc tại câu lạc bộ là kinh nghiệm làm việc (chủ tịch, phó chủ tịch ít nhất), tuy nhiên sau khi đi làm tầm 3 năm cũng nên cân nhắc bỏ chúng ra khỏi kinh nghiệm làm việc và chỉ nên ở phần “Kinh nghiệm khác”.
C. VỊ TRÍ – PHÒNG BAN
Cần nêu rõ vị trí công việc. Chức vụ nào. Phòng ban nào. Nếu là thăng chức trong cùng một phòng ban thì có thể ghi kinh nghiệm cao nhất.
D. MÔ TẢ CÔNG VIỆC
Đây là phần quan trọng nhất của CV nên sẽ cần chú ý quan trọng bậc nhất.
– Giới hạn tối đa 3-4 dòng/ công việc. Việc này chắc chắn khó khăn, tuy nhiên là cốt yếu cho việc cô đọng công việc của mình dễ dàng cho nhà tuyển dụng đọc thông tin.
– Kết quả là tối quan trọng để thể hiện khả năng của bạn. Tốt nhất là bằng số. Vd như KPI nội bộ công ty,những dự án đã tham gia, đánh giá cá nhân cuối năm, thành tích giải thưởng đội nhóm.
– Dùng cấu trúc “RESULT-ACTION-SCOPE” cho mỗi gạch đầu dòng công việc. Theo thói quen, chúng ta thường mô tả mình làm dự án gì, cụ thể làm chi, sau đó mới tới kết quả. Tuy nhiên để thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng, kết quả bằng tiền, bằng % thu hút hơn.
Thay vì: Trong dự án X, tôi làm A, B, C, D và tạo ra $200,000
Nên: Tạo ra $200,000 bằng các việc A, B, C, D trong dự án X
– Đọc JD công việc của nhà tuyển dụng, ghi vào những công việc được yêu cầu trong JD mà bản thân đã có kinh nghiệm vào trong CV, nêu bật kết quả mà bản thân đã làm được khi đảm nhiệm công việc đó.
– Đặc biệt, HR IT đọc không hiểu những dự án các bạn đã làm nhưng để qua được vòng CV thì các bạn cần ghi thật nhiều dự án, như vậy các bạn có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng nhé. Phần này nên được tách riêng thành một phần nhỏ ở cuối mục Kinh nghiệm/Experience, ghi chú là "Một số dự án đã tham gia"
7. KỸ NĂNG/ PROFESSIONAL SKILLS
Bạn không nên để mục skill như hình dưới mà bạn nên có 1 câu đánh giá chung, chẳng hạn như Tiếng anh có thể đọc hiểu hoặc có thể giao tiếp,...
.
Ngôn ngữ: Liệt kê các ngôn ngữ và bằng cấp liên quan, nếu không có bằng cấp thì có thể tự đánh giá ở các mức độ Basic, Intermediate & Advanced.
Kỹ năng cứng. Phần này chỉ bao gồm kỹ năng “cứng”. Kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, bán hàng đều phải thể hiện trong kinh nghiệm làm việc. Ví dụ về kỹ năng cứng là:
– Máy tính cơ bản: Word, Excel, Power Point.
– Lập trình: C#,C++, Java, PHP, Python, R,…
– Marketing: Facebook Analytics, Google Analytics, AdWord,…
– Thiết kế/quay phim: Photoshop, Premiere, Corel, Illustrator, AutoCad,…
– Ngoài ra những kỹ năng sử dụng máy ảnh, máy quay phim, hay các kỹ năng chuyên môn khác mà mình không quen thuộc chưa liệt kê ra ở đây.
8. HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI/ SOCIAL EXPERIENCES
Thời gian – Công ty/Tổ chức – Vị trí
Các kinh nghiệm hoạt động câu lạc bộ, giải thưởng, hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội bên ngoài công việc đều có thể liệt kê trong phần này. Lưu ý càng phát triển lên có thể bỏ dần dần bớt danh sách dài dằng dặc những hoạt động xã hội thời sinh viên, đặc biệt là các hoạt động chỉ dưới dạng “tham gia”, chỉ nên giữ lại những hoạt động mà mình là vai trò lãnh đạo mà thôi.
9. SỞ THÍCH
Mục này các bạn có thể có hoặc không thêm vào CV. Tuy nhiên, nếu các bạn cho vào CV thì nên cho một vài sở thích liên quan đến công việc mình sắp ứng tuyển thay vì sở thích nghe nhạc, xem phim,...
VD: Sở thích: Nghiên cứu, tìm tòi các ngôn ngữ mới, Tham khảo các tính năng game mới trên thị trường,...
Cuối cùng, qua những kiến thức mình thu thập được ở trên, chúc các bạn có thể tạo được một chiếc CV thu hút. Một chiếc CV tốt có thể mang bạn tới gần với công việc mong ước!
Bài viết hơi dài, cảm ơn các bạn đã theo dõi!